Bạn đã từng chán nản khi tìm kiếm gì đó trên Google, và kết quả trả về là những bài viết vô giá trị, sinh ra chỉ để phục vụ một mục đích là kiếm traffic chưa? Mình cũng đã có những trải nghiệm “đáng sợ” như vậy khi tìm hiểu về Content Marketing trong quá khứ, và mình tin những kiến thức mà mình đem vào bài viết này sẽ đủ làm bạn thỏa mãn.
Đừng quên bookmark, share và để lại nhận xét nếu bài viết hay nhé, một hành động nhỏ đem lại động lực rất lớn cho tụi mình.
1. Ngẫm thật kỹ xem Content Marketing là gì
Thời buổi 4.0 bùng nổ, mọi khái niệm gần như đều có thể tìm thấy thông qua Google. Điều này khiến nhiều người dần đánh mất khả năng tư duy tự chủ. Nếu ngẫm một chút, bạn sẽ chẳng cần tốn công search Google để biết Content Marketing là gì đâu. Thử bóc tách từ Content Marketing ra nhé:

Content – nội dung:
Nhiều bạn hiểu lầm rằng content chỉ là phần chữ như bài viết, tuy nhiên content còn bao gồm cả hình ảnh, âm thanh, video, infographic (Viết tắt của Information Graphic – thiết kế đồ họa nội dung)…
Tùy vào mục đích bạn muốn truyền tải, hãy sử dụng loại nội dung phù hợp. Nếu bạn cần truyền tải thông tin chuyên môn sâu rộng, hãy sử dụng bài viết kết hợp với hình ảnh. Nếu mục đích là giới thiệu không gian quán cafe, video là hình thức hợp lý. (Tin mình đi, bạn sẽ không muốn ngồi miêu tả không gian quán chỉ bằng chữ viết đâu)…
Marketing – tiếp thị:
Philip Kotler – Bậc thầy Marketing từng định nghĩa:

2. Content hay thế nào – dở ra sao
Ranh giới giữa hay hoặc dở thật ra rất mong manh. Đôi lúc, content hay không bằng content phù hợp. Bạn có thể trau truốt bài viết hàng giờ, nhưng nội dung lại không tập trung đúng vào điều user cần, thì kết quả vẫn là con số 0. Bạn không thể viết với giọng văn nhí nhảnh, đùa cợt nếu đang viết về bonsai và đối tượng đọc là những bác cao tuổi. Bạn cũng không thể viết bằng giọng văn trang nghiêm nếu user là những anh chàng, cô nàng marketing – creative “đôi mươi mơn mởn” (thật ra tùy trường hợp nhé, có những nội dung vẫn cần sự nghiêm túc 100%)."Muốn ngủ ngon thì đừng lấy vợ, không muốn đổ nợ đừng làm content"
Làm content – marketing hoặc creative việc quan trọng nhất là update kiến thức liên tục. Sử dụng ngôn từ phù hợp rất quan trọng, và đòi hỏi writer (người viết) phải có một bộ óc từ vựng phong phú. Cách nhanh nhất để cải thiện là đọc sách, đọc xong cuốn này lại muốn đọc tiếp cuốn kia, chẳng mấy mà đổ nợ vì tiền sách.
- Ý tưởng này là của chúng mình – của anh Huỳnh Vĩnh Sơn (Sói ăn chay)
- Trọn bộ GAM 7 của Rio
- Làm bạn với hình làm tình với chữ – đừng đọc nếu bạn mới vào nghề.
- Ngấu nghiến nghiền ngẫm – Dave Trott
- Content hay nói thay nước bọt – MediaZ
- Và vân vân mây mây những cuốn sách hay khác…

3. Hay: không chỉ là về nội dung, mà còn về cách trình bày
Người ta thường lười biếng trong việc trình bày bài viết thật chỉn chu, đa phần chỉ thêm vài hình ảnh, dăm ba chỗ in đậm in nghiêng là hoàn tất. Và thành phẩm là những bài viết nhìn qua đã thấy khô khan, thì làm sao user có động lực đọc tiếp.
Một bài viết dù dài tới đâu, điều quan trọng nhất vẫn là Scanable – người đọc chỉ cần lướt qua bài viết là có thể nắm được ý chính, và cảm thấy bài viết đáng đọc. Để làm được điều này, bạn cần:
Tiêu đề hay nhưng vẫn phải đủ ý
- 100 cách giật tít hay
- 10 tuyệt chiêu đặt tít như một bậc thầy Marketing
- …
Quên mấy thứ trên đi, bạn sẽ không muốn blog website của mình toàn những tiêu đề như thế đâu. Đặt tiêu đề phải gây được sự tò mò để người dùng click vào, nhưng vẫn phải đảm bảo thể hiện đủ ý cho bài viết. Đừng để user nghĩ rằng bạn “treo đầu dê bán thịt chó” với một cái title chẳng liên quan chút nào tới nội dung.
Đôi lúc vài cái tiêu đề thân thiện lại là một ý hay.
Sapo cuốn hút:
Khái niệm Sapo bắt nguồn từ tiếng Pháp (Chapeau), có nghĩa là cái mũ, còn trong nghề viết có nghĩa là đoạn mở đầu / đoạn giới thiệu bao trùm lấy toàn bộ bài viết.
Người dùng luôn đọc tiêu đề và đoạn giới thiệu trước, rồi mới quyết định có đọc tiếp hay không. Tỷ lệ thoát (Bounce Rate) của nhiều bài viết rất cao, đa phần vì người viết làm không tốt trong khâu đặt tiêu đề và viết đoạn giới thiệu (Sapo).

Một đoạn giới thiệu hay phải cho người đọc thấy được lý do họ nên đọc bài viết đấy. Hãy đặt một cái kết trong sapo, cho họ thấy họ sẽ được gì nếu bỏ thời gian ra đọc.
Con người ai cũng cần phải thở, mắt cũng thế:
Mình đảm bảo 90% người đọc đều phát ngấy với những bài viết được trình bày dày trạt chữ thế này:

- Chia thành những đoạn ngắn: mỗi đoạn chỉ nên dài khoảng 6 dòng đổ lại. Nếu dài hơn, tìm cách rút ngắn nó lại.
- Đừng viết câu quá dài. Người đọc rất mệt mỏi trong việc đọc những câu văn lê thê.
- Bullets (gạch đầu dòng những phần có dạng danh sách) mỗi khi có thể.
- Tiêu đề phụ – Sub heading thân thiện.
- Highlight (bôi đậm – nghiên) những câu thể hiện nội dung cả đoạn, những câu hay: giúp người đọc dễ nắm bắt ý chính hơn. Không bôi đen từ khóa để SEO vô tội vạ.
- Hình ảnh bắt mắt, caption hay ho: đừng lấy hình trên mạng cho vào bài, rồi để caption khô khan. Đầu tư chất xám vào hình ảnh một chút, bạn sẽ trở nên đặc biệt hơn.
- Tránh lặp từ, trừ khi bạn muốn nhấn mạnh ý đó.
- Văn mình vợ người: ai tự đọc bài do mình viết cũng thấy hay, nhưng chưa chắc nó đã hay thật sự. Mạnh dạn nhờ đồng nghiệp / bạn bè đọc và góp ý cho bạn trước khi đăng bài.
- Thêm CTA (Call to action – kêu gọi hành động) vào bài viết một cách hợp lý. Đừng để User đọc xong và không biết làm gì.